TheĐườngdâymuabánhóađơnVATlớnnhấtcảnướcgiámđốcbịtruytốbet 68o dự kiến, ngày mai 19.12, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án mua bán hóa đơn VAT lớn nhất cả nước.
Trong số 100 bị cáo hầu tòa, 30 người bị truy tố tội trốn thuế, 68 người bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn. Hai người còn lại bị truy tố các tội mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; trốn thuế.
Đáng chú ý, có tới 68 bị cáo trước khi bị khởi tố là tổng giám đốc, giám đốc các công ty; hàng chục bị cáo là phó giám đốc, kế toán. Số còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do.
Mua bán hơn 1 triệu hóa đơn, tổng doanh số gần 64.000 tỉ
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú TP.HCM), lao động tự do.
Thông qua người khác, bị cáo Tú mua 646 doanh nghiệp dưới hình thức trực tuyến, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau đó, "đàn em" của Tú tự kê, khai khống doanh số mua vào, khai giảm doanh số hóa đơn bán ra tại tờ khai thuế điện tử trong các kỳ quyết toán thuế.
Lợi dụng mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT. Tú còn mua 6 công ty tài chính, giao cho người khác quản lý, nhằm hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn VAT đã bán.
Tú và "đàn em" còn sử dụng sim rác để đăng ký ứng dụng internet banking, chuyển tiền qua lại với các trung gian và tài khoản doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn khống. Mục đích là ngụy tạo giao dịch, coi như hoàn thành thanh toán.
Đường dây của Tú bị phát hiện vào tháng 10.2022, khi Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện một công ty trên địa bàn mua 31 hóa đơn VAT khống, với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn là 8,7 tỉ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định từ tháng 12.2020 - tháng 10.2022, Tú và đồng phạm đã bán hơn 1 triệu hóa đơn VAT khống cho hơn 88.000 doanh nghiệp, tổng doanh số gần 64.000 tỉ đồng.
Khi triệt phá đường dây này, Công an tỉnh Phú Thọ nhận định đây là chuyên án về mua bán hóa đơn VAT có doanh số lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Với mỗi hóa đơn, Tú hưởng lợi từ 0,7 - 1,5% doanh số. Tính theo tổng số hóa đơn đã bán, Tú bị cáo buộc thu về hơn 294 tỉ đồng.
Ngoài hành vi trên, Tú còn đặt mua qua mạng internet 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) nhằm tạo dựng khống các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên hóa đơn.
Trốn thuế hàng trăm tỉ đồng
Vụ án có 30 bị cáo, phần lớn là giám đốc các doanh nghiệp, bị truy tố tội trốn thuế. Các doanh nghiệp này thu mua nguyên liệu sản xuất từ các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không thể quyết toán thuế. Vì vậy, họ tìm đến bị cáo Nguyễn Minh Tú và các trung gian, hòng "rửa" hóa đơn.
Cơ quan tố tụng xác định tổng số hóa đơn VAT khống mà 30 bị cáo mua là 3.531 hóa đơn, từ đó trốn thuế với tổng số tiền 235 tỉ đồng.
Trong số trên, bị cáo Vũ Hoàng Phi Hiếu (46 tuổi), giám đốc 3 công ty thu mua phế liệu tại tỉnh Đồng Nai, bị cáo buộc là người mua nhiều hóa đơn VAT khống nhất, với 998 hóa đơn, tổng số tiền trốn thuế ước tính 130 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định 73 người trung gian mua bán hóa đơn VAT khống, được Nguyễn Minh Tú đặt tên mã khách hàng. Tuy nhiên, đến nay kết quả điều tra mới đủ căn cứ truy tố 6 trường hợp.
67 trung gian còn lại bị cho là thông đồng cùng Tú bán hơn 472.000 hóa đơn, với tổng doanh số hơn 36.000 tỉ đồng. Do thời hạn điều tra đã hết và chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch, hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để tiếp tục điều tra, xử lý.
Ngoài 30 bị cáo bị truy tố tội trốn thuế, nhiều giám đốc, kế toán doanh nghiệp cũng mua nguyên vật liệu từ các đơn vị nhỏ lẻ, không rõ xuất xứ, không xuất được hóa đơn. Nhóm này thông qua các trung gian mua gần 7.000 hóa đơn VAT khống.
Cơ quan thuế nhận định các bị cáo có hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Tuy vậy, doanh nghiệp sau đó đã thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh giảm toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ của các hóa đơn sử dụng không hợp pháp; đồng thời nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh tăng vào ngân sách.
Do đó, nhóm này chỉ bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn, không bị xử lý tội trốn thuế.